Trong 2 ngày 22/8/2023 và 23/8/2023, Samsung Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương và các địa phương đã tổ chức lễ tổng kết dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh” đợt 1/2023 tại 12 doanh nghiệp phía Bắc tham gia dự án nhằm tổng kết và đánh giá hiệu quả thực hiện của dự án.
Tham gia chương trình, có sự hiện diện của ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục Trưởng – Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương; ông Cao Văn Bình – Giám Đốc Trung tâm Hỗ trợ Công nghiệp – Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương; ông Trần Ngọc Thực – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh.
Về phía Samsung có ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam; ông Kim Tea Hoon – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Nam; ông Kim Yong Sup – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại Samsung Việt Nam; các chuyên gia tư vấn từ Samsung Hàn Quốc cùng đại diện các doanh nghiệp tham gia dự án.
Trước đó, vào ngày 3 tháng 7 năm 2023, Samsung Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi động Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 năm 2023 cho các doanh nghiệp tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.
Sau gần 3 tháng thực hiện (từ 7/6 đến 23/8/2023), dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 1 đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Các chuyên gia tư vấn Việt Nam đã cùng các chuyên gia tư vấn của Samsung Hàn Quốc, trực tiếp tham gia khảo sát, đánh giá và tư vấn các doanh nghiệp tại hiện trường.
Dự án cũng đã hỗ trợ tư vấn phát triển mô hình nhà máy thông minh cho 12 doanh nghiệp bao gồm 05 doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, 01 doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc, 02 doanh nghiệp tại Thành phố Hà Nội, 03 doanh nghiệp tại tỉnh Hưng Yên và 01 doanh nghiệp tại tỉnh Hà Nam và đạt nhiều kết quả cải tiến khả quan.
Trong số 12 doanh nghiệp tham gia, 3 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất Nhập Khẩu Bao bì Thăng Long, Công ty Cổ phần Tiến Thành và Công ty TNHH Điện tử Việt Nhật đã ghi nhận những cải tiến vượt bậc trong việc tối ưu hoá hệ thống thông qua các hoạt động: Xây dựng môi trường thu thập/chia sẻ thời gian thực sản lượng, kết quả kiểm tra chất lượng công đoạn; Quản lý trạng thái máy và thông số chính của thiết bị; Quản lý nhập/xuất và tồn kho thành phẩm theo thời gian thực thông qua ứng dụng mã vạch; Thay đổi cấu trúc dây chuyền, đảm bảo kết nối, minh bạch dữ liệu cân bằng dây chuyền; Dự báo từ sớm bất thường phát sinh tại hiện trường.
Với 5 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Ama Bắc Ninh, Công ty TNHH Quốc tế Vinasaco, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Bao bì Cửu Long, Công ty Cổ phần Đức Hiếu, Công ty TNHH Quang Quân, sau quá trình tư vấn, đã triển khai và xây dựng hiệu quả nền tảng cơ bản trong thu thập dữ liệu theo thời gian thực thông qua các hoạt động: Áp dụng quét mã vạch để quản lý kết quả sản xuất và hiện trạng xuất/nhập kho; Lắp cảm biến tại các máy sản xuất để thu thập dữ liệu sản xuất theo thời gian thực; Lắp màn hình quan sát tại các vị trí cần thiết để cập nhật bảng dữ liệu thời gian thực (lỗi thiết bị, lỗi sản phẩm, hàng tồn kho, hiện trạng sản xuất….); Bước đầu xây dựng hệ thống quản lý khuôn và phân tích dữ liệu định kỳ.
Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ tư vấn tạo nền tảng ứng dụng phần mềm cho 4 doanh nghiệp: Công ty TNHH Dụng Cụ An Mi, Công ty Cổ phần Đúc Áp Lực Idcast Việt Nam, Công ty cổ phần Tập Đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Công ty Cổ phần in Hồng Hà, giúp các doanh nghiệp này chuẩn hoá quy trình thao tác phần mềm; Cải tiến phương pháp ghi nhận dữ liệu từ thủ công sang sử dụng Google sheet để chia sẻ rộng rãi; Giảm thời gian thao tác công đoạn; Sàng lọc, sắp xếp, tối ưu hoá, tạo dựng môi trường sản xuất an toàn.
Đại diện chuyên gia tư vấn được phái cử từ Samsung Hàn Quốc, ông Kweon Hyeogchel, nhận xét: “Trong thời gian thực hiện dự án, tôi đã cảm nhận rõ nét tinh thần quyết liệt của lãnh đạo các doanh nghiệp đối với mục tiêu phát triển mô hình Nhà máy thông minh, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của bản thân trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và khó khăn kinh tế hiện nay. Mỗi một thành viên được phân công trong Ban dự án sẵn sàng làm việc đến đêm muộn, làm thêm vào ngày nghỉ cuối tuần để học hỏi, tham gia xây dựng quy trình và định nghĩa chính xác chức năng mong muốn tại phần mềm. Đây có thể nói là điểm thành công nhất của dự án, vì những nhân sự này chính là cốt lõi giúp doanh nghiệp tiếp tục mở rộng ứng dụng phần mềm hơn nữa trong tương lai.”
Ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ: “Tôi rất vui và tự hào khi được đi thăm hiện trường và tận mắt chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của các doanh nghiệp sau khi tham gia Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh. Dường như mỗi góc, mỗi hạng mục trong nhà máy đều được các chuyên gia để tâm và chăm chút.
Thành quả cải tiến mà các doanh nghiệp gặt hái được không chỉ nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia mà còn nhờ sự quyết tâm đầu tư mạnh mẽ cũng như sự đóng góp tích cực của cán bộ và nhân viên trong chính doanh nghiệp ấy. Tôi mong rằng công ty sẽ không dừng ở đây mà còn tiếp tục duy trì và cải tiến trong thời gian tới để đạt được những thành công hơn nữa trong tương lai.
Bên cạnh đó, thiết nghĩ, khi các doanh nghiệp đã quyết tâm hiện thực hóa việc xây dựng mô hình nhà máy thông minh thì Chính phủ Việt Nam cần giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp này bằng cách áp dụng các chính sách về hỗ trợ chi phí hoặc miễn giảm thuế.”
Phát biểu tại Lễ Tổng kết, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục Trưởng Cục Công nghiệp cho biết: “Các doanh nghiệp tham gia dự án đã phát huy thế mạnh của mình, vận dụng sáng tạo có hiệu quả, tích cực, chủ động trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ từ các chuyên gia và đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực. Xin được nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự cầu tiến của các học viên cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Cũng nhân đây, tôi mong rằng, phía doanh nghiệp tham gia chương trình nhanh chóng có kế hoạch đẩy mạnh triển khai hơn nữa, phát huy hơn nữa tính hiệu quả mà chương trình phát triển Nhà máy thông minh mang lại, từ đó góp phần vào sự phát triển của các Doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng và các Doanh nghiệp Công nghiệp, Công nghiệp hỗ trợ trên cả nước nói chung.”
Đại diện cho 1 trong số những doanh nghiệp tham gia dự án lần này, ông Nguyễn Minh Ngọc – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất Nhập khẩu Bao bì Thăng Long chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi quản lý dữ liệu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, sử dụng nguồn lực con người. Dự án này đã giúp chúng tôi số hóa và quản lý các dữ liệu trên phần mềm và hệ thống. Quan trọng nhất là dự án đã giúp chúng tôi quản lý và loại bỏ được những lỗi bất thường gây ra nhiều thiệt hại lớn cho công ty ở các công đoạn sản xuất. Đây là điều rất quan trọng với công ty trong quá trình phát triển. Với tư cách là lãnh đạo công ty, ý thức rõ tầm quan trọng của dự án, tôi xin hứa sẽ duy trì và lan rộng dự án ra toàn công ty và kiên quyết sẽ xử lý triệt để những vấn đề cần cải tiến một cách nhanh nhất.”
Sau dự án, các doanh nghiệp được tư vấn sẽ tiếp tục phát triển hệ thống nhà máy thông minh dưới sự cố vấn trực tuyến của các chuyên gia Hàn Quốc nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng lực tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Dự án “Hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh” đợt 2/2023 sẽ tiếp tục được thực hiện tại khu vực phía Nam từ tháng 9/2023, để tư vấn cho 12 doanh nghiệp.
Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại các địa phương là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đã được Samsung phối hợp cùng Bộ Công Thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 2/2022 với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh trong 02 năm (2022 – 2023).
Từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 – 2023. Qua nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
0 Comments:
Đăng nhận xét