Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam – Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương và Samsung Điện tử tổ chức Lễ khai giảng khóa VI đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc cho 25 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo tại Việt Nam.
Ngày 18/11/2024, tại Trung tâm Đào tạo Khuôn mẫu Hàn Quốc, Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) – Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Samsung Điện tử đã tổ chức Lễ khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc, thuộc đề án “Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng kỹ sư thiết kế, chế tạo và sản xuất các loại khuôn mẫu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khu vực phía Nam” thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2024.
Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của ông Phạm Khắc Tuyên – Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc; ông Cho Jong-wook – Tổng Giám đốc Trung tâm đào tạo Đồng Thịnh Vượng; bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Trưởng phòng cấp cao Bộ phận Hỗ trợ đối tác – Samsung Việt Nam; ông Đặng Ngọc Sơn – Chủ nhiệm đề án – Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam; các chuyên gia Hàn Quốc và 25 học viên tham gia khóa đào tạo.
Chương trình đào tạo lần này sẽ diễn ra trong 4 tuần, từ ngày 18/11 đến ngày 13/12/2024 với mục tiêu là đào tạo chuyên sâu cho 25 chuyên gia thiết kế, sản xuất khuôn mẫu trong năm 2024. Chương trình cũng được kỳ vọng sẽ là tiền đề để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai tương ứng với đà phát triển công nghiệp của đất nước.
Hiện nay, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu là một trong các ngành sản xuất đặc biệt quan trọng, được xem như là “nền tảng của nền công nghiệp”, đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư và phát triển công nghệ. Khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn, và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, từ các sản phẩm đồ gia dụng đến các sản phẩm hàng không và điện tử hiện đại. Với vai trò là công cụ sản xuất quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực, khuôn mẫu luôn được ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh của các công nghệ mô phỏng cũng giúp rút ngắn quá trình đưa công nghệ mới vào thực tế sản xuất.
Trong bối cảnh kỹ thuật khuôn mẫu đang được coi là một ngành kỹ thuật nòng cốt, là nền tảng của ngành công nghiệp sản xuất, việc phát triển và bồi dưỡng chuyên gia là vô cùng quan trọng. Hơn nữa, việc nâng cao năng lực về kỹ thuật khuôn mẫu chính là đã sở hữu một kỹ thuật sản xuất tiên tiến giúp tối ưu hóa chất lượng gia công sản phẩm đối với các tiêu chí đánh giá bằng thị giác hay xúc giác trên tất cả các sản phẩm ép nhựa, dập áp lực hay gia công chính xác. Từ đó có thể đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là hoạt động sản xuất phần cứng cho các thiết bị điện tử hay cho ngành sản xuất xe máy, xe ô tô.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Phạm Khắc Tuyên – Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc khẳng định chương trình đạo tạo chuyên gia khuôn mẫu tại Hàn Quốc là cơ hội vàng để các học viên nâng cao kỹ năng, tự tin ứng dụng kiến thức vào thực tế sản xuất và đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam. “Được triển khai từ năm 2020, chương trình đào tạo chuyên sâu này đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hàng trăm chuyên gia Việt Nam đã tốt nghiệp và đảm nhận các vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp lớn, góp phần thúc đẩy năng lực sản xuất và nâng tầm ngành công nghiệp nước nhà.” – ông Phạm Khắc Tuyên cho biết.
Tại buổi lễ, ông Cho Jong-wook, Tổng Giám đốc Trung tâm đào tạo Đồng Thịnh Vượng chia sẻ, khóa đào tạo lần này là khóa đào tạo cho 25 học viên xuất sắc đã tham gia đào tạo lý thuyết 10 tuần ở thành phố Hồ Chí Minh để có thể trực tiếp sản xuất ra bộ khuôn mẫu thực tế. Các học viên cần nỗ lực hết mình để tham gia đào tạo với lòng tự hào và ý thức trách nhiệm bởi đây là những nhân tài quan trọng cho sự phát triển của ngành khuôn mẫu Việt Nam. Trong quá trình học, ông cũng mong muốn các học viên có thể khai thác tối đa những kinh nghiệm, kiến thức quý báu của các chuyên gia khuôn mẫu giảng dạy tại học viện để có thể áp dụng thực tế vào quá trình sản xuất khuôn.
Chương trình đào tạo chuyên gia khuôn mẫu nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết năm 2020 giữa Samsung và Bộ Công Thương trong việc đào tạo nguồn nhân lực khuôn mẫu, với mục tiêu đào tạo 200 chuyên gia cho Việt Nam, nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ thiết kế, chế tạo, sản xuất khuôn mẫu với độ gia công chính xác cao, đảm bảo tính chủ động và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tính đến cuối năm 2024, đã có 209 học viên hoàn thành chương trình đào tạo tại Việt Nam, trong đó 148 học viên xuất sắc được tiếp tục tham gia khóa đào tạo chuyên sâu tại Hàn Quốc. Đây chính là nguồn nhân lực nòng cốt góp phần phát triển lĩnh vực khuôn mẫu nói riêng và ngành công nghiệp nói chung của Việt Nam.
Cùng với chương trình đào tạo kỹ sư khuôn mẫu, từ năm 2015 đến nay, Samsung tích cực thực hiện nhiều dự án cùng Bộ Công Thương góp phần phát triển ngành công nghiêp hỗ trợ tại Việt Nam. Tính đến nay, đã có 379 doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ cải tiến sản xuất, 406 chuyên gia tư vấn năng suất/chất lượng đã hoàn thành khóa đào tạo, hoàn thành đào tạo cho 123 chuyên gia tư vấn nhà máy thông minh và hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh cho 72 doanh nghiệp. Hiện, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 306 doanh nghiệp vào cuối năm 2023.
0 Comments:
Đăng nhận xét